Madison Morrison’s Web / Sentence of the Gods / Life / A Visit to Vietnam
Vietnamese Excerpts / SÀI GÒN: Chủ nghĩa hậu hiện đại và nghệ thuật

from A Visit to Vietnam

Madison Morrison

SÀI GÒN: Chủ nghĩa hậu hiện đại và nghệ thuật

Sài Gòn chiều chúa nhật trong quán cà phê, nhạc Mỹ đài MTV thì vặn câm, nhạc Việt phát ra từ máy CD lại được mở lớn hết cỡ. Không từ chối được hình thức này lại đem đến kết quả mỹ mãn như thế: Những cô chiêu đãi viên trang phục áo dài đen tự giới thiệu tên mình bằng tiếng Việt. Nó phản ánh một sự hài lòng, một khả năng hoàn toàn tự giác. Để đáp lại, tác giả bài viết trao họ tấm danh thiếp song ngữ có ghi tên mình bằng tiếng Anh và tiếng Hoa. Một triết lý thích hợp, một xã hội tuyệt đối hay nặng phần chính trị. Những cô gái này không nói được chữ Anh nào và cũng không đọc được chữ Tàu. Trên tất cả những gì nó nắm giữ, có lẽ là một sự giải thoát cho chính chúng ta. Nhưng họ cực kỳ xinh đẹp. Một sự tự do từ những gánh nặng (quá khứ, cộng đồng, ảo tưởng một tương lai viển vông hơn). Một cô đã chỉ cách tác giả gọi “café au lait” bằng tiếng Việt. Mà chúng ta không còn có năng lực để chuyên chở. Trong trường hợp cà phê được đem tới không có sữa, ông cần phát âm khác đi, các cô gái lại gần ông hơn để chỉnh cách phát âm. Sự tự mãn quá sức này, tuy nhiên, cũng chính là những gì mà thời hiện đại đã một lần hứa hẹn. Cuối cùng cà phê có khuấy sữa đặc của ông được đem trở lại.

Nhưng khi chúng ta tư duy về chúng. Nó được đặt trong một chén sứ có vẽ hoa hồng đổ đầy nước để giữ lạnh. Chúng ta có thể cảm thấy chính mình đang nhào lộn vào một loại hố đen. Mặt chiếc bàn nhỏ ông ngồi kiểu Pháp lồng kiếng một tấm bích chương quảng cáo hình hai người đàn ông và ba cô ca sĩ, tựa “Scandal’s Us”. Cái hố mà chủ nghĩa hậu hiện đại thình lình xuất hiện như sự tự sụp đổ của chủ nghĩa hiện đại. Người đàn ông đầu tiên mặc áo đen tóc lởm chởm đứng cạnh cô ca sĩ đang ngồi mặc áo hở ngực xanh, sọc trắng, tóc dài hơn cũng dựng ngược. Một vũ trụ đảo lộn từ trong ra ngoài. Sát đó là một cô gái mặc váy Jean bó, áo hở vai không dây, tóc dài lọn quăn, đội nón bê rê. Trong tiến trình này, chúng ta đã sắp xếp để biểu hiện con người của chính chúng ta đối với người khác như những kẻ lạ. Cô gái thứ ba trong tư thế ngồi, diện áo dạ hội đen, vai trần. Chúng ta không được trang bị gì hơn là ngôn ngữ mà tự chúng ta cũng không tin được chính mình. Trong khi “Lin” và “Nhung” ngồi hai bên tác giả, Xuân khoanh tay theo dõi hành động của ông và phàn nàn bảo ông sao không uống cà phê mà lại cứ viết. Một thứ ngôn ngữ, chúng ta không còn tưởng tượng lâu hơn như chia sẻ hoặc có thể chia sẻ được, giữa trọng tâm của chủ nghĩa hiện đại, dường như có một thứ lý thuyết hiện thực tự thân được khám phá. Tác giả càu nhàu lại.

Trần nhà quán cà phê được trang trí những kim nhũ thả rũ như thạch động. Nói tóm lại. Nhung và Lin chăm chú xem những trang cuối trong cuốn sổ ghi chú của tác giả. Chúng ta có thể tìm thấy chính chúng ta trở về câu hỏi ban đầu: Nơi có hình một cặp tình nhân tí hon 4 tuổi, bé gái mặc áo đầm bông, cổ trắng tay cầm hai đóa cúc. Đây có phải là thời hậu hiện đại không? Bé trai cầm giỏ, đầu đội nón rơm cài duyên đoá cúc thứ ba có con bướm đậu. Hay tại sự thất bại của nó. Khi chúng tản bộ bên nhau bé gái liếc ngược về phía bé trai. Nếu chúng ta coi nó như sự thất bại. Trên tường chỗ quầy rượu là một bức tranh giấy hình đại bàng rất lớn. Chúng ta cần hiểu rõ cái gì là hậu hiện đại hay có thể chỉ rõ nó có nghĩa gì khi thất bại. Những chai sữa đậu nành, Fanta xanh, đỏ nằm xếp hàng. Chúng ta cũng có khả năng để nói. Nơi cửa ra vào, bóng tối không lấn lướt, một dãy ánh sáng những ngọn đèn cây Noel chập chờn, nhạt nhoà, chợt sáng, chợt tắt: Vài điều về lý do tại sao nó thất bại một cách minh bạch. Xanh đỏ, đỏ xanh, lúc xanh, lúc đỏ, khi nháy, khi dừng, hoà theo nhịp đẩy của mạch điện tử vận hành.

— Bản dịch của Trịnh Thanh Thuỷ

BÊN NI, BÊN NỚ

VE SẦU VÀ ĐẦU MÙA PHƯỢNG RỰC